Header Ads

Trần Tựu và Hứa Văn Hải 1941

Hứa Văn Hải là con của cụ Hứa Văn Nhiệm, người làng Tân Qui tây, trước thuộc Sa Đéc, nay thuộc Đồng Tháp. Theo ông Lê Vinh Đường thì tổ tiên của Hứa Văn Hải là người Hoa thuộc nhóm Phúc Kiến, quê gốc tại Long Khê, Chương Châu. Thuở nhỏ Hải là một cậu bé cực kỳ thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Năm 15 tuổi học cờ cùng bạn là Tạ Khánh Toàn và em là Hứa Văn Tài, chỉ trong vòng một năm, Hải đã đạt trình độ kiện tướng. Những năm Triệu Khôn sang Việt Nam, Hứa Văn Hải có dịp gặp mặt và được Triệu Khôn chỉ dẫn tận tình nhờ đó Hải tiến bộ vượt bực. Người ta kể lại rằng khi Triệu Khôn gặp Hải thì Hải còn là một cậu bé 13-14 tuổi, nhưng tỏ ra có thiên tư về cờ. Triệu thử bày ván cờ thế "Đình Xa vấn lộ" cho Hải phá và Hải đã trổ tài biểu diễn nhiều chiêu rất thông minh khiến Triệu rất vui mừng đẹp dạ nhận Hải làm đệ tử để truyền nghề.
Mấy năm sau đó, Hải đã ôm bàn cờ đi khắp bốn phương đánh cờ cá độ kiếm sống. Trên bước đường chinh phục làng cờ, Hứa Văn Hải lần lượt hạ đo ván các hảo thủ của "Nam kỳ lục tỉnh" và được đông đảo người hâm mộ tôn vinh là "kỳ vương", oai chấn giang hồ. Năm 1938, được sự giới thiệu của Trương Kim Tài, kỳ vương Hải quen biết với Lê Vinh Đường - người có nhiều tài liệu sách báo thông tin thường xuyên các trận đấu của các cao thủ Quảng Châu và Hồng Kông, nên Hải có cơ hội nắm bắt thông tin và nghiên cứu nhiều thế trận mới, trong lúc mọi kỳ thủ khác không hay biết gì. Trình độ và công lực của Hải nhờ đó càng tiến bộ hơn.

Tết nguyên đán năm Quí Mùi (1943), tại Gò Công có tổ chức một giải cờ lấy tên là "giải vô địch giữa các kỳ vương" chỉ dành riêng cho "tứ hùng" tức là gồm Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải. Gặp phải các cao thủ ngang tài, kỳ vương Hải thi triển thao lược, áp đảo quần hùng đoạt vô địch rất vẻ vang. Tiết trung thu năm đó, sòng bạc "Đại thế giới" tổ chức một giải cờ xưng danh "giải vô địch Nam kỳ", Hứa Văn Hải tham gia, đánh thắng mọi đối thủ như chẻ tre, đoạt chức vô địch dễ dàng. Người đứng thứ nhì là một người bạn của Hải, đó là danh thủ Phạm Văn Ngọc mà phần sau chúng tôi sẽ giới thiệu.

Vì sức cờ quá cao thâm nên kỳ vương Hải đi đánh độ phải chấp nhiều quân, nhiều nước, và luôn phải lao tâm khổ tứ mới thắng được. Do đó sức khỏe suy kiệt, mắc phải bệnh lao, không có điều kiện chạy chữa, mà thời đó cũng khó chữa trị, vì bệnh được liệt vào một trong "tứ chứng nan y". Cuối năm 1944, kỳ vương Hải biết mình không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, đã trở về quê làng ở Tân Qui tây và an nghỉ giấc ngàn thu nơi đây ở tuổi 26, để lại bao thương tiếc cho làng cờ miền Nam. Bình sanh, Hải không muốn truyền dạy hay thu nhận bất cứ ai làm đệ tử, ngay bạn bè thắc mắc nhiều phương án hoặc nước biến muốn hỏi thì Hải cũng không bao giờ thật lòng chỉ dẫn. Phải chăng kỳ vương Hải sợ bị học trò phản lại mình? Dù thế nào, làng cờ vẫn dành cho kỳ vương Hải sự mến thương kính phục nhiều hơn là phê phán.

Danh thủ Lê thiên Vị từng đánh giá rằng ở Việt nam có 2 thiên tài cờ tướng là Hứa văn Hải và Trần Quới. Đánh giá cao Hứa văn Hải là vì Hứa văn Hải là người cực kỳ thông minh, có trí nhớ tuyệt vời, chưa tới 3 năm học cờ ông đã trở thành cao thủ hạng nhất ở Nam kỳ lục tỉnh. Tuổi trẻ háo thắng, ông đến Sài gòn và khiêu chiến cả với cao thủ số 1 trong giới người Hoa lúc đó là Trần dụ Thám. Năm 1936, ngay trước khi sang Việt nam sinh sống, danh thủ Trần dụ Thám đã là quán quân thành phố Hạ môn, tỉnh Phúc kiến Trung quốc, kỳ lực đâu phải tầm thường. Kết quả họ Hứa thua liểng xiểng. Điều đó cho thấy dù có là thiên tài thì trình độ của một người cũng khó thoát ra khỏi tầm khu vực, muốn vươn lên cao hơn cần phải học tập, nghiên cứu và cọ xát nhiều hơn nữa.

[Nguồn:  internet]

Clip này, QBT giới thiệu 2 ván đấu giữa Trần Tựu và Hứa Văn Hải vào ngày 14 tháng 01 năm 1941.




Được tạo bởi Blogger.